Nói tới Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng ta liên tưởng đến vùng đất phì nhiêu, cò bay thẳng cánh, sông nước mênh mông… Sống hòa quyện với thiên nhiên, mỗi lần lũ về lại mang đến cho người dân địa phương sinh khí mới, cuộc sống của người dân thích nghi theo thời tiết và mùa màng, kinh tế nông nghiệp còn thủ công và theo thời vụ…
Nhưng những hình ảnh này ngày nay đã đi vào lãng quên. Tăng thêm dân số, nhu cầu vật chất ngày càng cao đã thay đổi nếp sống của người dân nơi đây.
Thời tiết thay đổi, tình hình lũ về cũng bị biến động theo bởi thời tiết và tác động từ con người. Năng lượng cung cấp từ các đập thủy điện, hệ sinh thái bị thay đổi, hệ động – thực vật bị tác động bởi nhu cầu của con người đã làm hao kiệt khan hiếm, thay đổi từ tính chất đến giá trị, những sản phẩm trước kia, con người không màng đến thì nay biến thành đặc sản quý hiếm và xuất khẩu…
Nơi ở của người dân ĐBSCL trước kia gắn với đồng ruộng, nay họ từng bước di dời về thị trấn, thành phố sinh sống và chuyển đổi nghề nghiệp để thích nghi cuộc sống mới, quan trọng là cho tương lai thế hệ sau này.
Về hình thức kiến trúc, dù nền kinh tế gia đình như thế nào, người dân cũng đều xây dựng nhà mình theo hình thức 3 gian, 3 gian 2 chái, 5 gian. Nhà nghèo thì mỗi gian chỉ rộng 2m, nhà khá giả thì gian lớn hơn tùy thuộc vào kích thước. Đó là các ngôi nhà ở trong đồng ruộng, khi vào khu cư dân tập trung, do đất khan hiếm, nên người dân xây dựng theo nhà ô phố mà mặt tiền vẫn 3 gian. Nhà phố thì tùy nhu cầu kinh doanh, phần trước là một nhịp 3 gian, sau cứ nối dài theo yêu cầu phát triển thành nhà Bát Dần, hay Xếp Đội… Vật liệu xây dựng mới như: tôn xi-măng, thép xuất hiện từng bước hình thành kiến trúc nhà phố, nhà lầu… Người dân nghèo thích xây nhà theo phong cách nhà Tây, vì loại hình kiến trúc Pháp đã được nhiệt đới hóa nên ở mát mẻ, thông thoát, các biệt thự và nội ngoại thất ngày càng được nâng cao theo trào lưu, khi thông tin hệ thống, quảng bá ngày càng nhiều.
Đó là tình hình chung, riêng đối với kiến trúc nhà ở vùng ngập nước, trước kia người dân vẫn ở trên đất vùng bưng biền, đồi cao, chỉ ngoài đồng mới có nhà sàn mái lá, nhà trên cọc dùng làm chỗ chăn vịt, chăm sóc lúa, lưới cá.
Mức độ của lũ ngày càng nguy hiểm, buộc người dân tìm nơi an toàn hơn để sống. Từ cuộc sống theo mùa, bấp bênh, không ổn định đến tình trạng thiếu học của các cháu nhỏ, đời sống văn hóa bị hạn chế, nhưng họ vẫn giữ được giá trị cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, sớm hôm thổi lửa tắt đèn có nhau.
Thiên nhiên ưu đãi đã ảnh hưởng đến tính cách người Nam Bộ xưa – hào sảng, rộng rãi phóng khoáng. Cuộc sống hiện đại văn minh công nghiệp hóa đã ảnh hưởng nhiều đến họ. Trong bối cảnh triều cường, nước ngập, cuộc sống khó khăn, tính cách Nam Bộ dần mất đi, chỉ lướt sóng qua ngày, để tồn tại được nuôi gia đình. Cho nên, có vẻ như xu hướng phát triển bền vững chỉ thể hiện ở một số người có điều kiện kinh tế khá giả.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã đánh giá tình hình lũ vùng ĐBSCL và đã xây dựng cụm tuyến cư dân vượt lũ nhằm hỗ trợ phần nào cho các hộ nghèo khó khăn. Người dân bản địa có điều kiện tài chính khá hơn, họ làm nhà trên phao, sàn nổi, đa số sử dụng vật liệu mái tôn khung thép để chịu được mùa gió bão. Thế nhưng, quá trình biến đổi ngày càng trầm trọng, quá nhanh và dự toán cả vùng ĐBSCL sẽ nằm trong biển nước. Như vậy đối với thành phố, khu cư dân, hệ thống giao thông đối ngoại trong tương lai cần có định hướng giải pháp ứng xử cụ thể. Đối với khu cư dân nông thôn ở rải rác trong đồng ruộng, trong điều kiện kinh tế khó khăn vừa đủ sống thì cần phải có phương pháp hỗ trợ kịp thời.
Đối với khu cư dân tập trung, cần phải có phương pháp kiến trúc sống chung với lũ, hoặc quy hoạch giới hạn vùng bị lũ. Giải pháp kiến trúc có thể giúp tìm được lối ra, những nguồn thực phẩm, các loại cây thích ứng mùa nước nổi như lúa ma, nước nhiễm mặn, vấn đề cần tổ chức nuôi trồng ở vùng cao…
- Kiến trúc nhà ở
- Kiến trúc nhà ở xây dựng mới vùng ngập nước nên lựa chọn địa hình bồi đắp cao trên mực nước biển dâng, hoặc tập trung thành cụm, hoặc phối hợp hai bên tuyến trục giao thông, nâng đất nền bằng phương pháp đào ao hồ, trước mắt dùng làm hồ chứa nước ngọt. Mùa lũ nước ngọt tràn ra biển, nếu có hồ giữ nước ngọt, lượng nước ngọt nén trong đất chống nước mặn xâm nhập, cho đến khi cả vùng bị ngập nước biển.
- Hình thức thứ hai: Kiến trúc trên bè phao nổi, trước hết vật liệu phải bền vững không bị hư hao, loại hình này linh động, sàn nổi lên xuống theo sông nước, di chuyển dễ dàng.
Nhà quản lý cần xác định các khu vực an toàn, không bị tác động dòng chảy, có chế tài quản lý, vệ ra đờíc thải, vấn đề ô nhiễm, an toàn trẻ con, người lớn và hệ thống phục vụ hỗ trợ cho các đối tượng đó. Cần có giải pháp cung cấp năng lượng phục vụ sinh hoạt sản xuất cho người dân: Cung ứng từ gió (điện gió), năng lượng mặt trời, cung ứng từ dòng chảy.
- Sinh hoạt cộng đồng:
- Nên tổ chức sân chơi nhỏ, gần gũi khu ở để tiện cho những hoạt động cộng đồng. Các không gian này nằm trong cụm hay tuyến cư dân, ngoài đánh bắt, nuôi trồng, cư dân cần không gian nghỉ ngơi, thư giãn, truyền đạt kinh nghiệm làm nghề, giải trí ở mức độ đơn giản như đánh cờ, ca hát, đờn ca tài tử… chính những hoạt động này đã xây dựng mối liên hệ tình làng nghĩa xóm, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau.
- Mặt khác, kiến trúc truyền thống có thể ngày càng mất đi, chỉ có thể giữ lại bảo tồn công trình kiến trúc cổ, truyền thống như: nhà ở, miếu chùa, nhà thờ và cần phải có phương pháp bảo vệ trong thực trạng nước lũ dâng lên.
- Nhà vùng ngập lũ:
- Kiến trúc nhà ở cổ truyền sẽ dần được thay thế loại hình nhà ở thực tế hơn, vật liệu mới, chịu đựng thời tiết, biến đổi khí hậu và trong bối cảnh đồng nước mênh mông, loại hình và vật liệu mới này phải dễ dàng sửa chữa, linh hoạt sử dụng, tạo dựng được mọi hình thức phục vụ cho hoạt động cho gia đình, nhóm nhà.
- Có phương pháp tổ chức từng đơn vị ở mấy tỉnh cộng đồng, bảo vệ lẫn nhau. Nguồn nước ngọt ngoại trừ từ nước mưa có thể sử dụng. Năng lượng mặt trời để chưng cất từ nước mặn riêng rẽ từng gia đình hoặc tập trung phân phối. Rác, vệ sinh, nghĩa trang sẽ là vấn đề quan trọng cần giải quyết khi môi trường vòng quanh tràn đầy nước. Hỏa táng là giải pháp hiệu quả nhất.
Thay lời kết
Tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi tất cả:
- Nhà ở: Phát triển kỹ thuật công nghệ vật liệu mới phù hợp hơn, công nghiệp hóa sản xuất nhằm giảm giá thành, công nghệ xây dựng dễ dàng để mọi người tự lắp ráp được.
- Giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng là một trong những tiêu chí phát triển bền vững. Tổ chức, xây dựng các không gian công cộng trên các cụm, tuyến, bè hình thành nơi để duy trì phong tục tập quán và phát huy những đặc điểm, hoạt động làm phong phú hóa cuộc sống.
- Tốt nhất là hình thành khu cư dân với tất cả yếu tố ứng dụng nêu trên để tạo dựng môi trường sống mới, qua đó rút kinh nghiệm để tương lai xây dựng hoàn chỉnh hơn và cũng có thể là điểm đến du lịch để mọi người hiểu người dân miền Nam thích ứng, chuyển đổi như thế nào để ứng phó biến đổi khí hậu mà vẫn giữ được kiến trúc truyền thống, văn hóa, tập quán người miền Nam.
KTS. Khương Văn Mười & KTS. Lưu Đình Khẩn
Với sự hỗ trợ của những Hội KTS đồng bằng Sông Cửu Long
(Bài đăng trên TCKT số 11-2017)
Thêm nhiều thông tin hấp dẫn với BdsNhaDat.com.vn ❗
T.H